Thiền định là một bài tập luyện tập trung vào đối tượng cụ thể để đạt được trạng thái tinh thần minh mẫn và cảm xúc bình tĩnh.
Ngồi thiền mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tâm hồn như giảm stress, kiểm soát lo âu, cải thiện giấc ngủ, cải thiện trí nhớ…
Đối với những người mới bắt đầu thì việc thực hành thiền định gặp nhiều khó khăn. 9 cách sau đây sẽ giúp bạn có được buổi tập thiền định dễ dàng và hiệu quả hơn.
1. Thực hiện chậm rãi
Điều quan trọng của thiền định là giúp tâm trí bạn từ từ được bình tâm, những suy nghĩ lần lượt được lướt qua. Bạn không thể bắt buộc bản thân từ bỏ mọi suy nghĩ trong đầu thật nhanh ngay khi bắt đầu ngồi thiền. Vì vậy bạn cần thực hiện việc ngồi thiền từ từ, dành thời gian để đầu óc giảm căng thẳng và dần lắng đọng.
2. Tạo cảm giác thoải mái
Bạn có thể ngồi trên ghế rồi đặt chân lên sàn, ngồi bắt chéo chân và thả lỏng. Bạn nên chọn bất kì tư thế ngồi nào mà bạn cảm thấy thoải mái và ngồi yên ở tư thế đó trong vài phút.
3. Tập trung vào hơi thở
Một việc đơn giản nhưng rất quan trọng là tập trung vào hơi thở của bạn. Bạn chú ý đến những nơi bản thân có thể cảm nhận được hơi thở của mình rõ nhất như mũi, miệng hay dạ dày. Bằng cách này bạn dần dần thu hút được sự tập trung của mình.
Tập trung và theo dõi hơi thở sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn khi thiền định. Đồ họa: Ngọc Tâm
4. Theo dõi hơi thở
Sau khi cảm nhận hơi thở, bạn nên chú ý theo dõi hơi thở của mình trong 2 phút. Bạn hít sâu, mở rộng bụng và thở ra từ từ rồi hóp bụng lại.
5. Giới hạn thời gian
Đối với những người mới bắt đầu với thiền định, bạn nên ngồi thiền trong thời gian ngắn. Sau đó bạn tăng dần thời gian luyện tập. Việc này giúp cơ thể dần thích nghi với thiền định để mang lại hiệu quả tốt hơn.
6. Kiểm soát tâm trí
Việc bạn suy nghĩ lan man trong lúc thiền định là thường xuyên xảy ra khi bạn mới bắt đầu tiếp xúc với loại hình này. Tuy nhiên bạn chỉ cần tập trung vào hơi thở và cảm nhận từng hơi thở thì bạn sẽ đưa tâm trí về tầm kiểm soát.
7. Tưởng tượng
Trong lúc ngồi thiền, bạn có thể hình dung đến một vật thể cụ thể để lôi kéo sự tập trung của chính mình. Điều này giúp bạn nâng cao sự tập trung khi thiền định.
8. Sử dụng giọng nói của bạn
Niệm kinh trong suốt quá trình thiền định giúp cải thiện kết quả thiền định. “Om” và “aum” là hai bài niệm được sử dụng phổ biến trong thiền định và tập luyện yoga. Việc niệm kinh giúp bạn cân bằng hơi thở và tạo cảm giác thư thái cho tâm hồn.
9. Kết thúc nhẹ nhàng
Để kết thúc một buổi thiền, bạn nên từ từ mở mắt, dành một phút ngắm nhìn mọi thứ xung quanh và để tâm đến cảm xúc, suy nghĩ, cơ thể của mình.
Ngoài ra, khi mới bắt đầu bạn nên đếm hơi thở của mình từ 1 đến 10 và lặp lại. Ngồi thiền là phương pháp phổ biến trong thiền định, bạn cũng có thể nằm thiền và áp dụng kĩ thuật yoga nidra. Một lưu ý khác là bạn không nên luyện tập thiền định khi căng thẳng hoặc ép buộc bản thân ngồi thiền. Hãy thực hiện thiền định trong tư thế thoải mái và tự nguyện. Các chuyên gia khuyên rằng bạn nên thực hiện thiền định từ 5 đến 10 phút mỗi ngày.
Những lợi ích của thiền đối với sức khỏe
Thiền để giảm stress đã trở thành một trong những phương pháp phổ biến hiện nay. Tuy đơn giản nhưng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe mà không phải ai cũng biết.
1. Tăng cường hệ miễn dịch
Lo lắng và căng thẳng là nguyên nhân dẫn đến suy yếu hệ miễn dịch, khiến chúng ta dễ mắc bệnh hơn. Ngồi thiền giúp cơ thể được thư giãn nên giúp ích cho hệ miễn dịch của bạn.
Thiền làm giảm bớt sự lo lắng, giảm độc tố tiết ra. Từ đó thúc đẩy tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
2. Giảm stress
Ngồi thiền giúp bạn thả lỏng cơ thể, giảm đi cảm giác mệt mỏi, lo âu, vì thế mang lại nhiều lợi ích cho hệ thần kinh.
Khi ngồi thiền bạn sẽ cảm nhận được sự thư thái, dễ chịu, quên đi trạng thái căng thẳng, mệt mỏi ban đầu, góp phần cải thiện được tâm trạng, cảm xúc.
3. Thiền giúp trẻ hóa não bộ
Các nhà khoa học cho rằng, thiền định là cách tốt nhất để kìm lại quá trình lão hóa, không chỉ thể hiện ra ngoài cơ thể, trên làn da, mà cả trong não bộ của bạn. Nó giúp tế bào não phục hồi các thương tổn.
Thiền để giảm stress đã trở thành một trong những phương pháp phổ biến hiện nay. Ảnh minh họa. Đồ họa: B.C
4. Giúp cải thiện trí nhớ
Thiền giúp cải thiện sự tập trung và giảm căng thẳng, mà căng thẳng chính là một trong những nguyên nhân chính của suy giảm trí nhớ. Vì vậy, được thư giãn và thiền thường xuyên có thể giúp bạn cải thiện trí nhớ tốt hơn.
Thiền rất đơn giản vì không có nhiều động tác, sự bất động trong khi thiền giúp bạn làm chủ chính mình như: Kiểm soát ý nghĩ, hơi thở, nhịp tim,… nên nó có tác dụng lên các cơ quan và cả hệ thần kinh.
5. Giảm căng cơ và giảm đau
Trong quá trình ngồi thiền, bạn sẽ tập trung vào nhiều vùng trên cơ thể, qua hơi thở có kiểm soát, và giúp thư giãn tâm trí. Kỹ thuật này được gọi là kỹ thuật thư giãn cơ tiên tiến có thể được sử dụng khi bắt đầu buổi thiền để làm căng và thư giãn các cơ của bạn.
Nếu bạn hay bị đau, căng cơ hoặc chuột rút, thiền có thể giúp bạn giảm đau, co cơ và chuột rút cơ bắp.
6. Hạ huyết áp
Nếu bạn bị huyết áp cao, thiền hàng ngày sẽ là một giải pháp tốt vì nó sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giảm huyết áp của bạn.
Thiền giúp bạn bình tĩnh, thư thái và làm giảm áp lực. Từ đó, khiến bạn không bị tăng huyết áp.
7. Hỗ trợ chữa các bệnh về đường hô hấp
Khi bạn ngồi thiền bạn sẽ thở chậm, sâu và đều đặn. Điều này có nghĩa bạn đang lấy nhiều ôxy vào phổi đồng thời đẩy các CO2 ra ngoài. Vì vậy, có lợi cho những người gặp phải những vấn đề về đường hô hấp.
8. Thiền giúp cải thiện giấc ngủ
Mất ngủ là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Thiền có thể giúp bạn kiểm soát tốt suy nghĩ, từ đó dễ dàng đi vào giấc ngủ mà không bị trằn trọc.
Ngoài ra, nó có thể giúp bạn thư giãn cơ thể, giải phóng căng thẳng và đưa bạn về trạng thái yên bình, thoải mái, làm cho bạn ngủ sâu hơn.